Kinh tế vĩ mô và TTCK Việt Nam 7 tháng đầu năm (Phần 1-Còn nguyên những thách thức)

Kinh tế vĩ mô ẩn chứa nhiều bất ổn và một TTCK phản ánh trung thực bất ổn đó. Thời gian tới vẫn còn là một thách thức vô cùng to lớn với doanh nghiệp (DN) và cải thiện chất lượng đời sống người dân.




Phần 1: Kinh tế vĩ mô Việt Nam 7 tháng đầu năm 2011
Còn nguyên những thách thức.


A Tổng quan kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm.
I Lạm phát -vấn đề chính của nền kinh tế Việt Nam 2011


1 Lạm phát
CPI tháng 7 so với tháng trước bất ngờ tăng tốc 1,17%, cao nhất trong 15 năm trở lại đây; so với cùng kỳ là 22,16%, cao nhất từ đầu năm và thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Nhóm hàng thực phẩm tăng mạnh nhất với 3,2%. CPI 7 tháng tăng 16,89% so với cùng kỳ và tăng 14,61% tính từ đầu năm 2011.


Có nhiều yếu tố dẫn tới lạm phát cao như do chi phí đầu vào tăng, chuỗi cung ứng hàng hóa không đảm bảo, nhưng vấn đề chính là công tác dự báo kém khiến chỉ tiêu lạm phát liên tục điều chỉnh lên tới 17% so với 7% vào đầu năm. Các nhà làm chính sách giờ đây không thể khẳng định con số lạm phát cuối cùng của năm 2011. Việc điều chỉnh tăng hàng loạt các mặt hàng cơ bản đã liên tiếp tạo những con sốc về giá. Trước tình hinh lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại vào tháng 7, Chính Phủ đã phải dãn tiến độ tăng giá, điều này lại làm tích tụ các yếu tố tăng lạm phát trong tương lai.


Diễn biến chỉ số lạm phát so với cùng kỳ năm trước năm 2008 và 2011.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5. Chính phủ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn 6%, kiềm chế tăng CPI ở 15%, giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu, tiết kiệm chi 10%. Trước đó, theo mục tiêu đã được Quốc hội phê duyệt, lạm phát năm 2011 giữ ở 7,0%, tăng trưởng GDP ở 7 - 7,5%.


2 Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế trong quý 2 cao hơn so với quý 1 ở 7,4%, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2011 đạt 5,57%, so với 5,43% 2010. Tăng trưởng 2 đầu tàu Hà Nội và Hồ Chí Minh cao hơn bình quân chung cả nước ở 9,3% và 9,9%.


3 Sản xuất kinh doanh
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ở 1066 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ và nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,6%. Sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho đầu tháng 7 toàn nghành công nghiệp chế biến tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.


Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế là 409,7 tỷ VND, tăng 5% so với cùng kỳ và bằng 38,3% GDP, trong đó khu vực nhà nước đóng góp 141 tỷ, giảm 3%; tư nhân 163 tỷ, tăng 14,6% và FDI là 106 tỷ, tăng 3,1%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 92,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010.

II Cán cân thanh toán
7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 51,5 tỷ $, tăng 33.5% so với cùng kỳ và tổng kim ngạch nhập khẩu tăng đạt 58,1 tỷ $, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Nhập siêu tháng 7 thấp nhất từ đầu năm còn 200 triệu $ do có sự hỗ trợ của việc xuất khẩu vàng. Nhập siêu 7 tháng là 6.64 tỷ $, bằng 12,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nếu loại trừ mặt hàng vàng, nhập siêu 7 tháng sẽ là 8.4 tỷ $, bằng 16,9% kim ngạch xuất khẩu.


Điểm cần nhấn mạnh là nhập siêu từ Trung Quốc rất cao  ở 7,6 tỷ USD. Và xu hướng nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tăng lên nhất là khối FDI.


Thu hút FDI đến 20/7 đạt hơn 9 tỷ $, bằng 75,6% so với cùng kỳ 2010 trong đó vốn đăng ký 7,6 tỷ USD của 504 dự án được cấp phép mới (giảm 27,8% về vốn và giảm 33,9% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 1,4 tỷ USD của 147 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. FDI thực hiện bảy tháng năm 2011 ước tính đạt 6,3 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng FDI cũng có sự thay đổi khi dần dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thay cho lĩnh vực bất động sản với số vốn đăng ký lớn nhất với 4,3 tỷ $. Hải Dương dẫn đầu về vốn đăng ký với 2,5 tỷ $, chiếm 32,4% tổng vốn đăng ký và Hồng Kông là nhà đầu tư lớn nhất với 2,8 tỷ $. chiếm 36,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
III Thị trường tiền tệ
1 Tăng trưởng tín dụng:
Tính đến 10/6, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,05%. Trong đó, tăng trưởng tín dụng VND chỉ 2,72% so tín dụng bằng ngoại tệ tăng tới 22,21%; tín dụng ngắn hạn tăng 6,17%, tín dụng trung dài hạn tăng 7,66%.
Dư nợ tín dụng lĩnh vực sản xuất đã tăng 10,97%, chiếm 83% tổng dư nợ; trong đó tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 24,96%, tín dụng xuất khẩu tăng 25,77%; dư nợ lĩnh vực phi sản xuất giảm 9,46%, chiếm tỷ trọng 16,92% tổng dư nợ.
Trong khi đó tính đến 10/6, huy động vốn của hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,37%. Huy động vốn bằng VND tiếp tục dương nhưng vẫn thấp, chỉ tăng 1,15%, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 8,89%.
Tổng phương tiện thanh toán vẫn tăng chậm ở 
2,33%, rất thấp so với chỉ tiêu cả năm 15% - 16%.



2 Thị trường ngoại hối
Ngay tuần đầu tiên sau tết nguyên đán, tỷ giá được điều chỉnh một lần với mức độ lớn 9,3%, biên độ giao dịch giảm từ 3 về 1%. Mở đầu cho hàng loạt biện pháp nhằm ổn định tỷ giá (chi tiết) như hạn chế nhập khẩu ôtô, các mặt hàng xa xỉ và cả ngăn chặn việc đầu cơ vàng.

Không còn tình trạng 2 tỷ giá, hạn chế tình trạng đầu cơ USD và nguồn cung USD không còn căng thẳng là những kết quả rất tích cực từ các biện pháp của Chính Phủ. Cho tới cuối tháng 7, tỷ giá liên ngân hàng có sự ổn định với chuỗi 17 phiên liên tiếp không thay đổi ở 20.608 đ/USD. Tỷ giá niêm yết của NHTM ở 20.560-20610đ/USD. Tỷ giá ổn định tạo điều kiện NHNN mua vào 4,5-4,8 tỷ $, tăng dự trữ ngoại hối lên 1,6 tháng nhập khẩu. Tuy nhiên liệu tỷ giá có ổn định từ nay cho tới cuối năm vẫn là một câu hỏi.

Diễn biễn tỷ giá liên ngân hàng từ thời điểm điều chỉnh tỷ giá
Tỷ giá liên ngân hàng có 17 phiên liên tiếp ổn định ở 20608 đ/USD

Tăng trướng tín dụng USD gấp 8 lần VND ở trên 23%, dù các biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ của NHNN (cả năm 2010 là 30%). 
Tỷ giá ổn định cùng mức lạm phát thấp kích thích các doanh nghiệp vay bằng USD với chi phí chí bình quân 6,74%, không đổi so với thời điểm cuối năm 2010. Việc này càng được khuyến khích bởi lãi suất VND dù rất cao nhưng cũng không thể vay được do trần tăng trưởng tín dụng 20% của NHNN. Các doanh nghiệp sau đó đổi sang tiền đồng để sản suất và thậm chí gửi lại ngân hàng với lãi suất lên tới 18-19%.


3 Lãi suất
3.1 Lãi suất huy động-cho vay của NHTM
Dù NHNN quy định trần lãi suất huy động ở 14% với VND và 2% với USD nhưng hiện tượng các NHTM huy động vượt trần là rất phổ biến, thường từ 17%-19%. Đặc biệt, kỳ hạn huy động là ngắn và siêu ngắn. Tính bình quân lãi suất cho vay là 18,74%, tăng khoảng 3,4% từ cuối năm 2010 trong đó nông nghiệp-xuất khẩu từ 16%-21%, sản xuất kinh doanh khác từ 18%-22%, phi sản xuất từ 20%-25%.
 
3.2 Lãi suất trái phiếu Chính Phủ
6 tháng đầu năm, Chính phủ huy động được hơn 48 nghìn tỷ thông qua phát hành trái phiếu, lãi suất trúng thầu thay đổi từ 10,9% vào tháng 1 lên 13,3% vào tháng 5 và sau đó giảm về 12,3% vào tháng 6. Thị trường trái phiếu Chính phủ trong 6 tháng đầu năm có thể được chia làm 3 giai đoạn chính:


- GĐ1:Từ đầu năm đến trước thời điểm tăng lãi suất tái chiết khấu 8/3
Giao dịch sôi động do chênh lệch lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn tới 4% tạo kẽ hở cho các NHTM tận dụng mua trái phiếu rồi đem đến thị trưởng mở giao dịch với NHNN lấy tiền đồng, hưởng chênh lệnh lãi suất.


Trong kỳ, NHNN đã 3 lần  tăng lãi suất tái chiết khấu, 4 lần tăng lãi suất tái cấp vốn và 5 lần điều chỉnh lãi suất OMO:
17/2 Nâng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11%/năm. Lãi suất chiết khấu giữ ở 7%. 
8/3  Lãi suất tái chiết khấu từ 7% lên thẳng 12%, lãi suất tái cấp vốn từ 11% lên 12%.
1/5 Tăng thêm 1%. Tái chiết khấu lên 13% và tái cấp vốn lên 14%
17/5 Tiếp tục tăng lãi suất tái cấp vốn 100 điểm lên 15%
4/7 Giảm lại lãi suất tái cấp vốn 7 ngày về 14%.


- GĐ2 Từ khi tăng lãi suất tái chiết khấu tới đầu tháng 5.
Kênh huy động vốn trên thị trường trái phiêu gần như hoàn toàn tê liệt sau khi NHNN tăng lãi suất tái chiết khấu lên 12%. Các đợt phát hành trái phiếu trong tháng 3 đều thất bại, trong đó có 3 phiên thất bại hoàn toàn.


- GĐ3: Từ tháng 5 cho tới đầu tháng 7. Tháng 5 NHNN đã 2 lần điều chỉnh lãi suất.
Từ tháng 5, lãi suất và khối lượng trúng thầu tăng so với 4 tháng trước đó, nhất là trong tháng 6 với khoảng 20 ngàn tỷ đồng trúng thầu ở mức lãi suất cao. Sức ép từ chỉ thị 01 NHNN về giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về 22% cùng kỳ vọng lạm phát giảm từ quý 3 khiến các NHTM đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu.


- Từ đầu tháng 7 tới nay có thể coi là giai đoạn 4 khi khị trường trái phiếu có dấu hiệu giảm nhiệt, lãi suất trúng thấu có xu hướng tăng lên cùng với khối lượng trúng thầu ở mức thấp (12,5% kỳ hạn 5 năm với chỉ 22% thành công phiên 28/7). Lãi suất liên ngân hàng tăng cao do dấu hiệu lạm phát tăng trở lại vào tháng 7 và những cảnh báo về thanh khoản ngân hàng của Fitch làm các NHTM rút bớt ra khỏi thị trường trái phiếu.

3.3 Lãi suất OMO
NHNN đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất OMO từ 10,5% lên 15%. Đáng chú ý là việc NHNN đột ngột giảm lãi suất OMO từ 15% xuống 14% sau số liệu CPI tháng 6, sự thay đổi này có thể không ảnh hưởng mạnh tới thị trường khi lãi suất liên ngân hàng với kì hạn tương ứng ổn định quanh mức 13% trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều tổ chức lo ngại về một tín hiệu nới lỏng chính sách quá sớm (xem thêm)
Theo TLS, riêng trong tháng 6, NHNN đã hút ròng về gần 52.500 tỷ đồng qua thị trường mở. Như vậy, từ đầu năm đến nay hết tháng 6, lượng tiền hút ròng ở kênh này đã đạt gần 85.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Bloomberg, trong 6 tháng, NHNN bơm 2.239.264 tỷ $ vào thị trường mở và hút về 2.293.500 tỷ $, tức hút ròng trên thị trường mở là 54.235 tỷ $.


III Đầu tư công
Mặc dù chính phủ rất quyết tâm trong việc cắt giảm đầu tư công, việc thực thi tại các địa phương chưa hiệu quả. Con số dự kiến cắt giảm trong năm 2011 ước đạt 80,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng thực tế có thể thấp hơn nhiều.


7 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 387 nghìn tỷ đồng, bằng 65% dự toán năm. Tổng chi NSNN ước là 420 nghìn tỷ, bằng 58% dự toán năm.  Bội chi ngân sách là 33 nghìn tỷ VND, bằng 27% kế hoạch năm.


Theo Bộ tài chính tính đến 31/12/2010, tổng số dư nợ công năm 2010 của VN ở mức 1.122 ngàn tỉ đồng, tương đương 56,7% GDP. Dự kiến con số 2011 sẽ đạt đến 1.375 ngàn tỉ, bằng khoảng 58,7% GDP. Trong đó, tổng số dư nợ nước ngoài ở mức 835.000 tỉ đồng, bằng 42,2% GDP năm 2010 và dự kiến nợ nước ngoài sẽ ở mức 44,5% GDP năm 2011 (chi tiết)


IV Thị trường vàng bất động sản
1Thị trường vàng
- Thị trường vàng trong nước lặng sóng đầu trước các biện pháp của Chính phủ (chi tiết), giá trong nước diễn biến chủ yếu theo giá thế giới và nhiều tháng liên tục thấp hơn giá quy đổi thế giới, dẫn tới hoạt động xuất khẩu vàng tăng mạnh 3 tháng gần đây. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đá quý, kim loại quý và sản phẩm là hơn 1,2 tỷ $ và riêng tháng 6 là hơn 800 triệu $. trong đó chủ yếu là vàng trang sức với giá vàng nguyên liệu khoảng 50 triệu $/tấn hiện nay, lượng xuất tháng 6 là 14 tấn và 6 tháng là 24 tấn.
Giá vàng trong nước lập kỷ lục ngày 19/2 ở 38,2 triệu đồng/lượng (bán ra) và 38,11 triệu đồng/lượng (mua vào) ngày 23/6. Hiện tại, giá vàng đã tiến sát mốc 41 triệu đồng/lượng


Diễn biến giá vàng giao ngay từ đầu 2010


Giá vàng liên tục lập đỉnh cao mới do có quá nhiều yếu tố hỗ trợ như cơn bão nợ công và tình hình lạm phát trên toàn thế giới, hiện tại vượt 1650 USD/ounce. Nhiều nước đang tăng cường dự trữ vàng để tránh tác động của việc tiền giấy bị mất giá, Hàn quốc lần đầu tiên trong 10 năm mua  vào 25 tấn vàng, và Trung Quốc tuyên bố tăng kho vàng dự  trữ gấp 8 lần lên 8000 tấn.


2 Thị trường bất động sản.
Chỉ thị 01 NHNN về giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất, trong đó có lĩnh vực bất động sản về  lần lượt là 22% vào giữa năm và 16% vào cuối năm khiến nguồn vốn bị chặn đứng khiến thị trường bất động sản sụt giảm, các chủ đầu tư và kể cả các nhà đầu tư thứ cấp liên tục liên tục hạ giá, khuyến mại nhằm tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp BDS đứng trước ngã 3 đường một mặt do không có nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án nhưng nếu không tiếp tục thì dự án sẽ bị bỏ dở làm thất thoát vốn, một mặt bị thắt đầu ra do bản thân cầu BDS cũng bị giảm mạnh do không còn nguồn vốn ngân hàng.


Sự "đổ vỡ" của thị trường BDS có thể kéo theo hệ quả nặng nề đối với nền kinh tế, đặc biệt đối với hệ thống ngân hàng, vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng cần giải thoát cho thị trường BDS. Thực tế cũng cho thấy, việc cào bằng và đánh đồng mọi dự án BDS là phi sản xuất và không hợp lý, cần sự phân tách để những dự án phục vụ sản xuất có nguồn vốn được thực hiện, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế.


B Điểm nhấn 6 tháng đầu năm.
1 Đồng loạt điều chỉnh hàng loạt các mặt hàng cơ bản khiến lạm phát bay vụt khỏi mức dự kiến. Giá tăng liên tục đặc biệt là lương thực thực phẩm từ đầu năm là nỗi ám ảnh tới từng bữa cơm của các gia đình, hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng.
2 Chính sách bàn tay sắt của Chính phủ làm hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm, hoạt động đầu cơ mất cửa ở hàng loạt thị trường vàng, dollar và chứng khoán. Tất cả trong trạng thái chờ đợi kết quả về nhân sự mới của Chính Phủ và Quốc Hội.
3 Siết tín dụng khiến thị trường bất động sản trầm lắng, chủ đầu tư tìm mọi cách ra hàng và nỗi lo sợ về sự đóng băng và sụt giảm của thị trường BDS là nỗi lo sợ của rất nhiều nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức tại một nước có tỷ trọng tín dụng BĐS cao và đa số làm giàu từ BĐS như ở Việt Nam.


C Nhận định những tháng còn lại 2011
I Cơ hôi - Rủi ro
1 Cơ hội
1.1 Chính sách ổn định vĩ mô được quán triệt từ tầng cao nhất từ nay cho tới cuối năm và cả 2012 (chỉ thị 922 TTg).
1.2 Ổn định về nhân sự Đảng, Chính Phủ, Quốc hội, sẵn sàng cho 1 nhiệm kỳ mới đầy thách thức
1.3 Doanh nghiệp, người dân đã gồng mình chống chọi với bão giá trong suốt thời qian qua và hy vọng về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế sẽ có trong năm tới do độ chễ chính sách.


2 Rủi ro kinh tế-xã hội
2.1 Chênh lệnh giàu nghèo tăng lên, đời sống kinh tế, xã hội người dân đi xuông do lạm phát cao kéo dài.
2.2 Rủi ro chính sách từ việc các nhóm lợi ích tạo ảnh hưởng tới chính sách ngày càng thể hiện rõ ràng, niềm tin tiêu dùng giảm.
2.3 20% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, 60% thu hẹp sản xuất và rất ít mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp quý II giảm tới 21 điểm, xuống còn 88 điểm - mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được tiến hành khảo sát (quý III-2008 là 100 điểm).


II Nhận định các yếu tố vĩ mô
1 Tỷ giá USD/VND - chịu nhiều áp lực vào cuối năm
Nhu cầu về USD vào cuối năm sẽ tăng cao một mặt theo chu kỳ kình doanh, mặt khác là cầu để trả nợ cho ngân hàng khi mà tăng trưởng tín dụng USD tính đến 20/6 USD rất cao ở 23,47%, tức khoảng 85 nghìn tỷ đồng quy đổi.

Trong khi đó nguồn cung USD lại giảm do nhiều yếu tố: 
i Lãi suất huy động USD đã giảm mạnh chỉ còn 2% so với thời điểm cuối năm 2010 lên tới 5,5%, lao động về nước sớm cùng tình hình khó khăn chung của thế giới khiến lượng kiều hồi gửi về 6 tháng đầu năm VN giảm 10%, ước gần 2 tỷ $ quý 2 so với 2,5 tỷ $ quý 1/2011. Kiều hối 2010 là 8 tỷ $ (trong đó quý 4 chiếm 1/3), tăng 25% so với 2009 và 2008 là 7,2 tỷ $. Theo NHNN đến 30/6, huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng đã giảm 5,88% so với tháng trước trong khi dư nợ ngoại tệ tăng đến 2,3% và so với cùng kỳ tăng đến 46,3%

ii Vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. FDI đăng ký 7 tháng đầu năm mới có 7,63 tỷ $, giảm 28% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 tỷ vốn FDI giải ngân. Trong 6 tháng đầu năm 2011, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào VN chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 1,8 tỉ USD của 6 tháng đầu năm 2010. Không những vậy, dòng vốn FII có dấu hiệu rút ra khỏi một số lĩnh vực như xây dựng, bất động sản và những ngành chịu tác động tiêu cực từ bất ổn kinh tế vĩ mô và chính sách thắt chặt.

iii Tỷ giá giảm cũng khiến nhập siêu tăng lên dù Chính Phủ dùng nhiều biện pháp kỹ thuật hạn chế nhập khẩu, nếu không tính xuất khẩu vàng, mỗi tháng chúng ta mất khoảng 1 tỷ $ do nhập siêu.

Dự trữ bắt buộc USD của NHTM cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lên 7% (kỳ hạn dưới 12 tháng). Ngoài ra, các yếu tố khác cũng khiến áp lực tỷ giá tăng lên như chênh lệnh lớn về lạm phát giữa VND và USD, và năng suất lao động tại Việt Nam thấp hơn khiến VND được định giá cao so với USD. Thời gian gần đây đã có hiện tượng NHTM vượt trần lãi suất huy động USD quy định ở 2% do lo ngại về thanh khoản $ vào cuối năm.
Triển vọng 6 tháng: Tiêu cực

2 Lam phát
Lạm phát tăng 14,6% từ đầu năm, và nếu mục tiêu đề ra là 17% thì dư địa còn lại cho 5 tháng cuối năm chỉ là  2,4%, tức trung bình 0,5%/tháng. Tuy nhiên, có thể chỉ trong 2 tháng 8 và 9 lạm phát đã có thể lên tới gần mức này. Nếu CPI 5 tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm ngoái là 6,43% thì tổng CPI cả năm sẽ vượt 20%. CPI theo năm có thể giảm từ tháng 8. Vấn đề là nếu lạm phát ở mức cao trong một thời gian dài thì Việt Nam sẽ phải gánh chịu lạm phát đình đốn.

Ngoài ra, việc tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời điểm khi Chính Phủ đã tạo cơ chế để có thể tăng giá. Giá điện sẽ tăng từ 28-44% trong vòng 10 năm. Việc trì hoãn tăng giá lâu quá cũng sẽ không có lợi và vì vậy việc tăng giá điện có thể sẽ được thực hiện đồng thời với một sự điều chỉnh khác nhằm tránh nhiều cú sốc về giá ví dụ như tỷ giá.
Triển vọng 6 tháng: Tiêu cực


3 Tăng trưởng tín dụng:
Đến 20/7 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 7,57%. Như vậy dư địa cho tăng trưởng tín dụng còn tới 10%. Nhất là dư địa này được tập trung mạnh vào hoạt động khác ngoài BDS và chứng khoán. NHNN chắc chắn sẽ tìm biện pháp tháo gỡ, tránh áp mức tăng trưởng tín dụng đồng nhất với mọi ngân hàng cũng như quy tất cả tín dụng bất động sản về phi sản xuất, sử dụng nhiều hơn các công cụ thị trường thay cho các biện pháp hành chính như hiện nay.
Triển vọng 6 tháng: Tích cực
4 Lãi suất:
i Lãi suất huy động-cho vay: vẫn duy trì ở mức cao do lạm phát khó có thể dưới 17% như mục tiêu đề ra.
ii Lãi suất trái phiếu: NHNN sẽ có các biện pháp phân tách tín dụng bất động sản sản xuất, theo đó, dòng vốn tín dụng có thể được thông thoáng hơn nhất là quý 4. Trong trường hợp ngược lại, kênh trái phiếu Chính Phủ sẽ hấp dẫn các NHTM.
iii Lãi suất OMO: trong khi NHNN quy định trần huy động của NHTM là 14% thì tại thị trường OMO, lãi suất 6 tháng có khi lên tới 18%, tạo sự không đồng nhất trong điều hành chính sách lãi suất. Việc hạ lãi suất OMO xuống 14% đầu tháng 7 vừa qua làm nhiều thành viên thị trường lo ngại về tín hiệu chính sách không nhất quán. NHNN sẽ phải dung hòa trong việc nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giảm lãi suất để hạ chi phí vốn cho Doanh nghiệp. Việc nhất quán trong điều hành chính sách, tránh hiện tượng nới lỏng tín dụng quá sớm như năm 2010, lãi suất OMO nhiều khả năng duy trì ở mức hiện tại cho tới hết quý 3.
Triển vọng 6 tháng: Tiêu cực


5 Tăng trưởng và tiêu dùng:
Mục tiêu tăng trưởng cả năm hạ còn 6%, và thực hiện 6 tháng đầu năm là 5,53%. Chỉ số hàng tồn kho công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 15,9% so với cùng kỳ, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay ngân hàng. Trong khi đó, tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm loại trừ yếu tố tăng giá chỉ tăng 5,57%, thấp nhất trong 6 năm gần đây. 6 tháng cuối năm cần phải tăng trưởng 6,5% để đạt mục tiêu chung cả năm là một thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh 2 mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng là trái chiều nhau.
Triển vọng 6 tháng: Tiêu cực


6 Hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp:
Chi phí vốn cao trong thời gian dài, nguồn vốn tín dụng khan hiếm trong bối cảnh TTCK vô cùng ảm đạm. Các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn về vốn đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Đẩy các doanh nghiệp bằng cách này cách khác hoặc huy động vốn bằng mọi giá tránh dự án đình trệ hoặc cắt giảm tối đa hoạt động chờ qua giai đoạn khó khăn. Rủi ro thanh khoản và hoạt động tăng lên. Hoạt động của các doanh nghiệp sẽ còn rất nhiều khó khăn cho tới cuối năm khi chính sách vẫn còn thắt chặt như định hướng đề ra.
Triển vọng 6 tháng: Tiêu cực


7 Nợ xấu, thanh khoản và sự minh bạch hệ thống ngân hàng
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng tới cuối tháng 6 là khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng lên 3,1% so với 2,16% vào cuối năm 2010. Trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm 47% tổng nợ xấu và chủ yếu là các khoản nợ BDS. Sự minh bạch trong hạch toán của hệ thống giảm sút do các quyết định có tính hành chính của NHNN, các ngân hàng nhỏ bị đẩy vào thế bất lợi buộc phải vượt quy định của NHNN, kéo theo cuộc đua trên toàn hệ thống (chi tiết).
Có cơ chế kiểm soát hoạt động các ngân hàng nhỏ và tăng tín dụng vào đúng khu vực cần hỗ trợ là ưu tiên của NHNN trong thời gian tới để vừa giúp khơi thông dòng vốn vừa giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Triển vọng 6 tháng: Tiêu cực

Thực tế cho thấy nguyên nhân sâu xa của toàn bộ các vấn đề hiện nay xuất phát từ định hướng phát triển mất cấn đối từ nhiều năm qua. Cơ cấu vốn tập trung quá nhiều vào khu vực nhà nước hoạt động không hiệu quả. Thiếu vắng ngành phụ trợ phục vụ xuất khẩu mà hoàn toàn phụ thuộc vào nhập máy móc, nguyên liệu trang thiết bị để gia công xuất khẩu. Các doanh nghiệp thi nhau đầu tư ngoài ngành như tài chính, bất động sản. Các cá nhân chạy theo phong trào đầu tư lướt sóng phát sinh hiện tượng bong bóng trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản.


Vậy để giải quyết tận gốc, cần phải thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Và đó tất nhiên không phải là vấn đề một sớm một chiều. Tuy nhiên, như lạm phát, dự báo trước các vấn đề có thể phát sinh nhằm có một định hướng phát triển bền vững là điều Việt Nam cần phải có ngay.


Phần 2: TTCK Việt Nam 7 tháng đầu năm và cơ hội cho thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét