Nhiễu sóng

Trong khi chỉ số TTCK Việt Nam ngày lên ngày xuống làm nhà đầu tư nội mất phương hướng, thì động thái giảm lãi suất OMO đột ngột của NHNN trong khi liên tục kêu gọi thắt chặt tín dụng ổn định vĩ mô lại làm các nhà đầu tư ngoại chơi vơi.
Mới đây, kinh tế trưởng của Vinacapital còn nói các nhà đầu tư nước ngoài mong đợi chính phủ tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Kết luận kỳ họp thường kỳ tháng 6, Thủ tướng chính phủ khẳng định quan điểm tiếp tục mục tiêu ổn định vĩ mô 6 tháng cuối năm, và cả năm 2012. Việc NHNN không gian hạn tỷ trọng dư nợ phi sản xuất vào 30/6 đồng thời tiếp tục khẳng định mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Trong bất kỳ buổi thảo luận, các nhà kinh tế đều ủng hộ chính sách thắt chặt của Chính phủ, rằng doanh nghiệp cần phải chấp nhận tình trạng khó khăn hiện nay để hướng tới mục tiêu chung là ổn định vĩ mô. Trong bài phân tích vĩ mô 3 tháng đầu năm, người viết đã nhận định chính sách bàn tay sắt với Nghị quyết 11 là một bước đột phá về chính sách và rằng rủi ro lớn nhất là sự thay đổi chính sách đột ngột, giống cuối năm 2010 (xem tại đây).

Khi mà tất cả đều tin tưởng vào sự thắt chặt tiếp theo cho 6 tháng cuối năm và kỳ vọng vào lạm phát sẽ giảm tốc thì NHNN đột ngột hạ lãi suất OMO xuống 14%. Động thái này có thể nói làm bất ngờ toàn bộ giới đầu tư, đặc biệt các khối ngoại. Đồng loạt lên tiếng cho rằng NHNN nới lỏng tiền tệ quá sớm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài thực sự lo ngại về việc chay theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế thay cho ổn định phát triển bền vững.

Ngày 17/5 NHNN nâng lãi suất OMO kỳ hạn 7 ngày thêm 100 điểm lên 15% và ngày thứ hai vừa qua 4/7, tức sau hơn 1 tháng, NHNN giảm trở lại về 14%. Ngay sau động thái này của NHNN, Credits Suisse nâng dự báo lạm phát Việt Nam năm 2012 lên 10,1% thay vì 8,7% trước đó, đồng thời dự báo lãi suất OMO tới cuối năm 2011 này chỉ là 12% thay cho mức16% trước đó.

Việt Nam giảm lãi suất dù lạm phát chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt (gần 21% vào tháng 6). Các nước đang tích cực kiềm chế lạm phát đang  tăng cao trên toàn thế giới. Cả ECB và Trung Quốc đều tăng lãi suất dù nhiều lo ngại điều đó làm xấu thêm tình hình nợ công Châu Âu cũng như giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Tuần qua, ECB nâng lãi suất thêm 0.25% lần 2 trong vòng 3 tháng lên 1,5%. Trung Quốc nâng lãi suất lần thứ 3 từ đầu năm, lãi suất tiền gửi thời hạn 1 năm tăng lên mức 3,5% từ mức 3,25% trước đó. Lãi suất cho vay thời hạn 1 năm sẽ lên mức 6,56% từ mức 6,31%.


Quan trọng hơn cả, hành động nâng lãi suất của ECB đã được dự báo từ trước do ECB đã phát tín hiệu tăng lãi suất vào phiên họp tháng trước. Tại Việt Nam, trong khi cả Thủ tướng và NHNN liên tục khẳng định mục tiêu ổn định vĩ mô, động thái giảm lãi suất là vô cùng bất ngờ với giới đầu tư, bởi sự không đồng nhất trong lời nói và hành động. Chính sách thay đổi bất ngờ không thể dự báo trước. Và điều đó thực sự làm quan ngại các nhà đầu tư.

Liệu chính sách tiền tệ có đột ngột đổi chiều?

Nếu chỉ số chứng khoán có thể nay lên mai xuống khó lường, lãi suất định hướng của NHNN khó có thể giống vậy. Với các nhà đầu tư việc giảm lãi suất này như là tín hiệu về một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ (dù điều này NHNN đã bác bỏ ngày hôm qua) và lo lắng việc nới lỏng quá sớm có thể đẩy bất ổn thêm kéo dài và càng khó kiểm soát giá cả trong dài hạn. Quan trọng hơn cả, nếu hành động của NHNN cũng khó đoán của chỉ số của TTCK, nhà đầu tư sẽ như cánh diều chơi vơi mất phương hướng và kết quả sẽ chẳng khác gì ngoài rút khỏi thị trường.

Nếu như mục tiêu tối thượng và duy nhất của ECB là kiểm soát giá cả và không Chính phủ nào có thể can thiệp thì có lẽ NHNN ở Việt Nam không có được sự độc lập tuyệt đối như vậy, NHNN có thể phục vụ mục tiêu tăng trường kinh tế và hơn hết là còn phụ thuộc vào nhiều nhóm lợi ích. Phải chăng các nhà đầu tư cũng cần hiểu thêm điều đó.

Liệu bài học 2010 vẫn chưa thuộc?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét