Ngày 24/02 vừa qua, giá xăng đã tăng thêm 2900đ lên 19300đ/lít. Cho dù đã bao ngày thấp thỏm dự báo trước cũng như đã rất nhanh chân chạy ra cửa hàng xăng để có thể mua những lít xăng rẻ cuối cùng, thì mức tăng tới 17,8% cũng làm bất ngờ nhiều người. Kết quả là TTCK lao dốc trong nhiều phiên, các mặt hàng, dịch vụ đồng loạt tăng giá khiến cuộc sống người dân khó khăn hơn bội phần.
Tại sao xăng lại tăng mạnh như vậy, cơ sở nào và giá xăng sẽ tiếp tục biến động thế nào, chúng ta cùng xem:
Trước hết, năm 2010 với mức lạm phát lên tới 12,75% so với tăng trưởng GDP là 6,78%, ưu tiên của Chính phủ cho năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Vì vậy, viêc tăng giá xăng cần được cân nhắc kỹ để tránh gây sốc cho nền kinh tế, bởi việc tăng giá xăng không chỉ tác động trực tiếp tới chỉ số CPI và còn tạo hiệu ứng chi phí đẩy do làm tăng chi phí đầu vào của toàn bộ các ngành. Vì vậy, ngay từ cuối năm 2010, giá xăng đã được khẳng định không tăng cho tới tết nguyên đán 2011.
Giá dầu tăng hơn 10% trong năm 2010 và tiếp tục tăng thêm 10% kể từ thời điểm đầu năm 2011, hiện tại duy trì trên mức 100USD/thùng. Theo tính toán của Bộ Tài chính trước khi tăng giá, với mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp nhập khẩu đang lỗ tới 3000d, sau khi điều chỉnh tỷ giá thì mức lỗ càng gia tăng.
Các công cụ mà Chính phủ cho phép sử dụng để can thiệp khi thị trường xăng dầu có đột biến gồm có thuế, phí và trích quỹ bình ổn xăng dầu*.
Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát cho giai đoạn quan trọng là tết Nguyên đán, ngày 10/02, Bộ Tài Chính đã ra quyết định 1786 chưa điều chỉnh giá xăng và tăng cường sử dụng quỹ bình ổn giá thêm 450 đ, lên tới 1650 đ/lít. Điều này làm quỹ bình ổn nhanh chóng cạn kiệt. Trước tình hình đó, để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm áp lực tăng giá bán lẻ, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát của chính phủ, Bộ tài chính giảm thuế nhập khẩu về còn 0% áp dụng từ ngày 24/02. Và khi tất cả các công cụ đã được huy động, thì chỉ còn cách duy nhất là tăng giá.
Việc điều chỉnh này thực chất là đưa giá cả quay trở lại cơ chế thị trường, sau thời gian dài trì hoãn để giảm tốc độ tăng của lam phát từ cuối năm 2010, chính vì vậy, mức tăng là khá lớn. Theo chủ trương thì năm 2011 này sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, xăng than theo cơ chế thị trường, theo đó bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới. Công điện 167/2011 của Thủ tướng chính phủ, và sau đó là Nghị quyết 11/2011 của Chính Phủ đều cho thấy quyết tâm đó. Điều đó có nghĩa là nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng lên, thì có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục còn thấy giá xăng bán trong nước sẽ tăng theo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu giá dầu giảm, thì liệu giá xăng trong nước có giảm theo đúng cơ chế thị trường hay không. Vậy là:
Khi giá dầu thế giới tăng, giá xăng trong nước sẽ lập tức tăng theo, và thậm chí không cần giá dầu tăng thì giá xăng trong nước vẫn có khả năng tăng tiếp do theo tính toán của Bộ Tài Chính thì cần phải điều chỉnh tới 34%-45% thì giá trong nước với về bằng với giá thế giới (tương ứng với mức tăng 6500d/lít).
Và khi giá dầu giảm, giá xăng trong nước khó có thể giảm theo, do còn phải khôi phục lại thuế nhập khẩu, tiếp túc trích lập quỹ bình ổn, và khôi phục phí (mà từ năm 2012 sẽ được thay thế bằng thuế bảo vệ môi trường, từ 1000-4000d/lít). Thuế thì dành cho nhà nước, còn bản thân quỹ bình ổn do người tiêu dùng trả trước nhưng người hưởng lợi đầu tiên lại là các doanh nghiệp đầu mối. Theo con số từ Bộ Tài chính, tính đến trước ngày 11/02, nhà nước và người tiêu dùng đã phải bỏ ra khoảng 11000 tỷ, thông qua 7500 tỷ từ tiền giảm thuế và sử dụng quỹ bình ổn 3500 tỷ.
Nếu vậy thì liệu đó có phải là cơ chế thị trường. Bởi cơ chế thị trường là linh hoạt theo sự biến động của hàng hóa cơ sở. Chưa kể hiệu ứng chi phí đẩy từ việc tăng giá xăng dầu làm tăng chi phí đầu vào của Doanh nghiệp, khi xăng tăng giá thì hàng loạt mặt hàng. dịch vụ cũng phải tăng giá theo. Nhưng ngược lại, nếu xăng giảm, thì tất cả các mặt hàng đó không thể giảm theo, do giá cả đã được hình thành ở một mặt bằng mới.
Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng thấy giá xăng vượt quá mức 20000/lít, những để thấy được mức giá cũ, thì có lẽ là rất lâu, rất rất lâu nữa. Trong hi vọng đến vô vọng, ta vẫn thấy lạc quan, nhiều áng thơ bất ủ đã ươm mầm vào cái ngày 24 tháng 2 đó, mời các bạn thưởng thức Vịnh giá xăng, Anh đội viên thức dậy, hay
Đau đầu vì điện
Điên đầu vì đô
Ngây ngô vì vàng
Ngỡ ngàng vì đất
Ngất vì tỷ giá
Ngã vì lãi suất
Mất vì giá xăng
*Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG): theo thông tư 234/2009 Bộ Tài chính, để hình thành Quỹ bình ổn xăng dầu thì cứ mỗi lít xăng, dầu bán ra doanh nghiệp trích lại 300 đồng để lập quỹ, khi giá trên thế giới biến động mạnh mà Nhà nước không muốn tăng giá trong nước, tiền từ quỹ sẽ được xả ra bù vào mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ. Quỹ này được giữ tại doanh nghiệp thông qua việc mở một tài khoản kế toán và doanh nghiệp phải báo cáo hàng tháng cho Bộ Tài chính tiến độ trích và sử dụng. Tất cả doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đều phải trích lập quỹ dù đang kinh doanh lãi hay lỗ vì khoản tiền này được xem là do được người tiêu dùng ứng trước khi mua xăng, dầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét