Cơ hội và rủi ro trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2011

TTCK Việt Nam kết thúc năm 2010 với kết quả không thuận lợi với tất cả các nhà đầu tư. TTCK diễn biến thế nào cho những tháng còn lại của năm 2011, sau đây là nhận định về một số cơ hội và rủi ro chính ảnh hưởng tới TTCK.


1 vài con số năm 2010
- GDP 6,75% (kế hoạch 6,5%), GDP bình quân 10 năm 2001 -2010 là 7,2%. CPI 11,7% (kế hoạch 8%), CPI bình quân 10 năm 2001-2010 là 8,8%
- Tăng tưởng tín dụng là 27,65%. Tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ áp đảo so với bằng VND, lần lượt là 37,76% và 25,34%
- Kết thúc năm chỉ số Vnindex ở 484,66 điểm, và Hnxindex là 114,24 điểm, tương ứng với mức giảm 2% và giảm 32,1% so với đầu năm.
- Tổng nguồn vốn huy động trên TTCK 116 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khối ngoại mua ròng 16.200 tỷ đồng trên cả hai sàn HSX và HNX.

Cơ hội
1 TTCK đã giảm sâu trong năm 2010, chỉ số Hnxindex đi ngược xu hướng chung trong khu vực khi giảm hơn 32%. Giá cổ phiếu đã xuống thấp, P/E bình quân ở mức hấp dẫn 11x. Thị trường hàng hóa gồm vàng, ngoại tệ và bất động sản trong năm qua đều đã tăng rất nóng. Đây là cơ hội cho TTCK theo nguyên tắc nước chảy chỗ trũng, nhất là các nhà đầu tư trung và dài hạn, bởi Việt Nam nằm trong câu lạc bộ 7%, nhiều doanh nghiệp niêm yết duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

2 Hội nhập WTO ngày càng sâu rộng, đặc biệt lĩnh vực tài chính ngân hàng, dòng tiền nhiều khả năng chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn vào 2012, khi các rào cản kỹ thuật hoàn toàn xỏa bỏ theo cam kết WTO. Kinh tế thế giới được nhận định khả quan hơn 2010 nên các dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng tìm đến các nước mới nổi. Việc Trung Quốc đang mạnh tay kìm lạm phát cũng như giảm tốc độ tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản có thể khiến dòng vốn ngoại dịch chuyển về các thị trường như Việt Nam.

3 Ảnh hưởng của sự ổn định từ hệ thống chính trị, 2010 là một năm khó khăn với TTCK khi các chính sách vĩ mô không đồng thuận, bản thân UBCK cũng không thực sự có đột phá nào trong việc tạo ra các sản phẩm mới cho thị trường. Chính phủ đã có quan điểm rõ ràng cho năm 2011 là ưu tiên ổn định vĩ mô. Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược 10 năm phát triển TTCK từ nay cho tới 2020, UBCK đã phát tín hiệu sẽ triển khai nhiều sản phẩm mới.

Rủi ro
1 Rủi ro về dòng tiền
1.1Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2011 là 23%, (so với 25% vào 2010), và đặc biệt dòng tiền sẽ được hướng mạnh tới khu vực sản xuất và nông nghiệp sau khi đã tăng cường hệ thống pháp lý trong lĩnh vực tài chính. Dòng vốn chảy tới TTCK sẽ bị hạn chế hơn. Vấn đề của Việt Nam là cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ giảm về 20%/năm trong vòng 3 năm tới.
1.2 Nguồn cung chứng khoán trên TTCK năm 2011 gồm cổ phiếu và trái phiếu sẽ đòi hỏi một lượng lớn tiền.

Về nguồn cung cổ phiếu gồm các doanh nghiệp niêm yết mới, doanh nghiệp tăng vốn trong đó có ngành ngân hàng và việc cơ cấu lại vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Giá trị chứng khoán phát hành ra công chúng trong 9 tháng đầu năm 2010 đạt 34.622 tỷ đồng. Năm 2011, sàn HNX kế hoạch có ít nhất 100 doanh nghiệp niêm yết mới, và sàn HSX tăng tổng giá trị niêm yết ít nhất bằng năm 2010, tương ứng với 23000 tỷ đồng. Chính phủ sẽ tăng cường bán vốn nhà nước: SCIC đã bán vốn nhà nước năm 2010 tại 106 doanh nghiệp và kế hoạch 2011 là 281 doanh nghiệp. Ngoài ra, áp lực thoái vốn đến từ các tập đoàn nhà nước theo chỉ đạo của chính phủ tránh đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả.

Về trái phiếu thì gồm trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc huy động vốn trung và dài hạn qua thị trường trái phiếu, giá trị phát hành tăng từ hơn 26 nghìn tỷ vào năm 2009 tới khoảng 47 nghìn tỷ đồng năm 2010, với lãi suất trung bình khoảng 14%-16%. Trái phiếu chính phủ dự kiến huy động 45 nghìn tỷ đồng cho năm 2011. (2010 là 55 nghìn tỷ đồng, lãi suất khoảng 12%). Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam còn nhỏ bé (17%/GDP, trong khi ở Thái Lan là 58%, Singapore 74% và Trung Quốc là 53%) và với lãi suất ngân hàng cao thì dự đoán 2011, thị trường này sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

2 Rủi ro về giá: Sự biến động của giá cả hàng hóa, lương thực thực phẩm, giá vàng, đô. Đa số các chuyên gia đều nhận định giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng năm 2011, và vàng vẫn là một ẩn số lớn sau khi đã tăng tới 29% vào 2010. Tại Việt Nam, thiếu điện sẽ thêm trầm trọng, áp lực tăng giá điện than là rất lớn trong 2011, làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất. Trong bối cảnh năm 2010 lạm phát, tỷ giá và lãi suất đều tăng cao, dự đoán năm 2011 vẫn rất khó khăn cho các doanh nghiệp.

3 Rủi ro chính sách: bộ máy chính phủ mới sẽ được thành lập vào kỳ họp quốc hội vào tháng 5 tới. Tử nay tới đó sẽ không có những chính sách đột biến, và sau đó là thời gian chuyển giao. Bộ máy mới cần thời gian để có các mục tiêu cụ thể và các bước thực hiện để phục vụ cho kế hoạch 5 năm và 10 năm.

Một số vấn đề khác trên TTCK như niềm tin của nhà đầu tư, năm 2010 niềm tin của nhà đầu tư đã giảm sút một phần do việc “làm giá” cổ phiếu. Năm 2011 hiện tượng này sẽ giảm bớt do (1) việc làm giá cuối cùng đã đem lại hệ lụy cho nhiều nhà đầu tư, kể cả những người chủ động trong việc làm giá, (2) UBCK đã và sẽ tiếp tục mạnh tay với hoạt động này và (3) và TTCK luôn có xu hướng phát triển dựa theo những giá trị cơ bản, do vậy việc đi ngược những giá trị cơ bản sẽ không còn nhiều “đất”. Tuy nhiên, những ẩn số khác đã xuất hiện và chưa có giải pháp như việc chỉ số Vnindex hiện nay không phản ánh cục diện chung toàn thị trường. Điều này có thể gây ra rủi ro cho thị trường và các nhà đầu tư.

Nhìn tổng thể về nguồn cung chứng khoán cùng với chính sách tiền tệ cho năm 2011, Yếu tố quyết định của TTCK là dòng tiền. Nếu cung tiền lớn hơn cung chứng khoán thì thị trường có thể tăng trưởng, và chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ đóng một vai trò quan trọng. Đánh giá chung cho năm 2011, GDP đạt mục tiêu chính phủ đề ra 7% -7.5%, CPI từ 9% -10% (so với kế hoạch là 7%). Chỉ số Hnxindex sẽ có giai đoạn gia nhập vùng 140 - 152 điểm (so với mốc 106,63 điểm vào cuối 2010), tuy nhiên về tổng thể cũng giống như các doanh nghiệp, năm 2011 vẫn là một năm còn nhiều thử thách cho TTCK.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét